Bệnh H5N1 là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, vaccine và cách điều trị bệnh

Bệnh H5N1 là gì?
Bệnh H5N1 là gì?

I. BỆNH H5N1 LÀ GÌ?

Cúm gà hay cúm gia cầm là một loại bệnh cúm do virus gây ra cho các loài gia cầm (hay chim), và có thể xâm nhiễm một số loài động vật có vú. Virus này được phát hiện lần đầu tiên tại Ý vào đầu thập niên 1900 và giờ đây được phát hiện ở hầu hết các nơi trên thế giới. 

Virus cúm gà có tên khoa học là Avian influenza (AI) thuộc nhóm virus cúm A của họ Orthomyxoviridae. Đây là những retrovirus, mang vật liệu di truyền là những đoạn phân tử RNA, sợi đối mã (sợi âm tính). Biến chủng H5N1 của virus cúm gà bắt đầu hoành hành từ năm 1997 và có nguy cơ bùng phát thành đại dịch cúm đối với con người trong tương lai.

II. NGUYÊN NHÂN BỆNH H5N1 TRÊN GÀ

Virus cúm gia cầm có nhiều trong dịch tiết đường hô hấp và phân gia cầm bệnh. Một gram phân có thể chứa đủ lượng virus để nhiễm cho 1 triệu con gia cầm. Do đó việc lây nhiễm bệnh cúm do tiếp xúc trực tiếp rất mạnh. Ngoài ra, cũng như nhiều bệnh truyền nhiễm khác do virus khác, virus cúm A H5N1 có thể lây truyền gián tiếp qua không khí, thức ăn, nước, quần áo, dụng cụ chăn nuôi, trên chân và thân của các loài gặm nhấm….


Các chủng của virus cúm gà có thể xâm nhiễm vào nhiều loại động vật khác nhau như chim, heo, ngựa, hải cẩu, cá voi, hổ và con người. Bệnh cúm gà lây truyền qua không khí và phân bón, nhưng cũng có thể gây nhiễm trên thức ăn, nước, dụng cụ và quần áo.

Vai trò của các loài chim di trú trong việc lan truyền bệnh vô cùng quan trọng. Khởi phát từ Trung Quốc và các nước Đông Nam Á, theo các loài chim hoang di trú, virus H5N1 đã phát tán ra nhiều châu lục làm chết hàng chục triệu gia cầm, và từ 12/2003 – 8/2006 đã có 138 người chết do H5N1. 

Các trường hợp tử vong phần lớn tập trung ở các nước Châu Á, nơi có sự tiếp xúc gần gũi giữa gia cầm và dã thuỷ cầm do tập quán chăn nuôi vịt chạy đồng, nuôi gà thả vườn, hoặc sự tiếp xúc giữa gia cầm và con người qua hoạt động mua bán gia cầm sống, trứng tươi tại các chợ cũng như sử dụng món ăn chế biến từ máu gia cầm sống như món “ tiết canh” tại Việt Nam. Tuy nhiên, hiện giờ chưa có bằng chứng thực nghiệm nào cho thấy virus cúm gà có thể sống sót trong thức ăn đã được nấu chín.

III. TRIỆU CHỨNG BỆNH H5N1

Tuỳ theo loài nhiễm bệnh mà triệu chứng bệnh cúm gia cầm thể hiện khác nhau.

1. Triệu chứng bệnh H5N1 ở gà

Thời gian ủ bệnh từ vài giờ đến 3 ngày, gà nhiễm trùng huyết, viêm đường hô hấp và xuất huyết ở nội tạng và tổ chức dưới da. Gà bị nhiễm H5N1 chết nhanh, trong vòng 48 giờ, tỉ lệ chết có thể lên đến 90% và trong 3 - 4 ngày sau khi nhiễm, có thể chết hết toàn đàn. 

Các đàn gà nhiễm bệnh có các triệu chứng như xù lông, tiêu chảy và có âm hô hấp. Trước khi chết gia cầm nhiễm bệnh có biểu hiện triệu chứng thần kinh gồm bại liệt và xoăn vặn cổ. Bệnh tích có thể quan sát được là phổi xung huyết trầm trọng, lách sưng to, mề, tiền mề và ruột xuất huyết. Xuất huyết dưới da của ống chân, phù quanh mí mắt, mào và tích tụ huyết xanh tím.

Bệnh tích xuất huyết niêm mạc dạ dày cơ và dạ dày tuyến rất dễ nhầm với bệnh Newcastle ở gà; gan xung huyết, phù nề có các điểm hoại tử rất dễ nhầm với bệnh tụ huyết trùng ở gia cầm.

2. Triệu chứng bệnh H5N1 ở vịt

Triệu chứng thể hiện nhẹ hơn gà, đa số vịt mang trùng không thể hiện triệu chứng và chết thể cấp tính với biểu hiện triệu chứng thần kinh, co giật. Bệnh tích viêm nhẹ mí mắt và xuất huyết nội quan của vịt bệnh cúm cũng rất giống với bệnh dịch tả vịt.

Triệu chứng ở các loài gia cầm khác như chim, cút, ngan, ngỗng chỉ thể hiện ủ rũ và chết đột ngột với tỉ lệ cao.

IV. CÁCH PHÒNG BỆNH H5N1

1. Đổi mới phương thức chăn nuôi

Chăn nuôi tập trung, trang trại, cách xa khu dân cư theo qui trình chăn nuôi khép kín là điều kiện hàng đầu trong phòng bệnh. Tuy nhiên, việc nuôi gia cầm thả vườn, nuôi vịt chạy đồng là tập quán chăn nuôi lâu đời của người nông dân, không thể xoá ngay được, trước mắt cần tổ chức mạng lưới cung ứng vaccine đầy đủ và kịp thời cho người dân chủ động tiêm phòng cho đàn gia cầm của mình với tỉ lệ 100%, sau đó có kế hoạch giảm dần theo một lộ trình thích hợp.

2. Kiểm soát giết mổ

  • Xây dựng các lò giết mổ gia cầm tập trung để kiểm soát nguồn gốc và tình hình dịch bệnh của gia cầm giết mổ, áp dụng dây chuyền giết mổ tự động và đóng gói sản phẩm khi đưa ra tiêu thụ.
  • Không buôn bán gia cầm sống tại các chợ và khu vực đông dân cư.
  • Tiêm phòng bằng vacxin H5N1 cho gà và vịt. Gà 2-5 tuần tuổi tiêm 0,3ml/con, trên 5 tuần tiêm 0,5ml/con, sau đó 4 tháng tiêm nhắc lại 1 lần. Vịt 2 -5 tuần tuổi tiêm 0,5ml/con, sau 28 ngày tiêm nhắc 1ml/con, sau đó 4 tháng tiêm nhắc 1 lần.
  • Cho đến nay vẫn chưa có vacxin phòng cúm gia cầm trên vịt xiêm (ngan), ngỗng, chim cút, gà ác, các loài chim và nhiều loài động vật hữu nhũ khác. Do đó, nguy cơ nhiễm bệnh trên các loài này rất cao. Trước mắt không nuôi chung các loài này với gà vịt, đồng thời áp dụng các biện pháp phòng bệnh bằng an toàn sinh học, vệ sinh phòng bệnh, tiêu độc sát trùng và tăng cường dinh dưỡng để gia tăng miễn dịch. 

3. Tăng cường dinh dưỡng

TS. Frank W. Edens (2006) chứng minh có mối liên hệ giữa bệnh cúm gia cầm và selenium. Tác giả cho rằng sự thiếu hụt selenium vừa làm gia tăng sự nghiêm trọng của bệnh cúm vừa tăng sự hoán chuyển gen của virus. Những thực nghiệm của Frank W.Edens đưa đến hy vọng bổ sung Selenium hữu cơ vào khẩu phần nuôi dưỡng gia cầm có thể giúp giảm khả năng tạo biến chủng của virus cúm A H5N1.

4. Tiêu độc sát trùng

Phun thuốc sát trùng 2 lần/tuần bằng các loại thuốc thông dụng như nhóm aldehyde (formol, glutaraldehyd), phenol, các phức hợp chứa iodine, các loại hóa chất gây oxy hóa (sodium dodecyl sulfate) đều có hiệu quả trong diệt trừ mầm bệnh ở ngoài môi trường, từ áo quần, dụng cụ chăn nuôi, phương tiện vận chuyển. 

5. Chú ý về bệnh H5N1

  • Khi phun thuốc sát trùng cần làm vệ sinh sạch sẽ chuồng trại vì nhiều loại thuốc sát trùng sẽ giảm hoặc mất tác dụng trong môi trường có nhiều chất hữu cơ như: Chlorine, Chloramin B, Chloramin T, Iodine, hoặc cũng chú ý có loại thuốc sát trùng tác dụng kém trên mầm bệnh cúm (virus nhóm lipophylic) như BKC chỉ nên dùng ở vùng chưa có dịch.
  • Giám sát chặt chẽ sức khoẻ đàn gia cầm hàng ngày, phát hiện nhanh những biểu hiện bất thường như giảm ăn, giảm đẻ, gia cầm chết đột ngột đều phải được lấy mẫu xét nghiệm.
  • Thực hiện các biện pháp nhằm ngăn ngừa sự tiếp xúc của gia cầm nuôi và dã cầm đồng thời thực hiện các biện pháp ngăn ngừa lây truyền bệnh qua các nhân tố trung gian như thức ăn, nguồn nước, phương tiện vận chuyển, khách tham quan, …
  • Khi có kết quả xác định bệnh cúm phải thực hiện tiêu huỷ toàn đàn và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo hướng dẫn của cơ quan thú y.

V. ĐIỀU TRỊ BỆNH H5N1 Ở GIA CẦM

Bệnh cúm gia cầm thể độc lực cao thuộc danh mục bệnh cấm giết mổ, chữa bệnh. Gia cầm mắc bệnh phải được tiêu hủy theo dưới sự giám sát của cơ quan thú y địa phương.

Tổng hợp bởi: SARU. COM.VN

0 Nhận xét